THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
_____

Số: 10/2010/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_____________________________________

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do

đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu

________

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

­Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Dược ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 07 tháng 8 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hoá được sản xuất trong nước để xuất khẩu và việc yêu cầu Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân, nhà sản xuất sản phẩm, hàng hoá và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại Việt Nam.

Điều 3. Thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu; cấp CFS sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu

  1. Thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu, cấp CFS sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu được quy định cụ thể tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.
  2. Các cơ quan nêu tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo rõ các địa chỉ nơi đăng ký hồ sơ thương nhân; nơi cấp CFS sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nơi kiểm tra CFS sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale -CFS) là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩusản phẩm, hàng hoá ghi trong CFS để chứng nhận rằng sản phẩm, hàng hoá đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.

CFS bao gồm cả các giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của CFS và các loại giấy chứng nhận có nội dung tương tự.

  1. Cơ quan quản lý cấp CFS là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đượcquy định tại Điều 3 Quyết định này.
  2. 3. Người đề nghị cấpCFSbao gồm thương nhân xuất khẩu, nhà sản xuất, người đại diện có giấy ủy quyền hợp pháp của thương nhân xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

 

Chương II

CẤP CFS ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU

 

Điều 5. Điều kiện cấp CFS  

Sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước để xuất khẩu được cấp CFS khi thoả mãn các điều kiện sau:

  1. Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu.
  2. Có tiêu chuẩn công bố áp dụngphù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Các thông tin trên CFS

  1. CFS có giá trị hiệu lực trong vòng hai (02) năm kể từ ngày cấp.
  2. CFS phải được làm trên giấy màu trắng, khổ A4, bằng tiếng Anh và bao gồm những thông tin tối thiểu sau:
  3. a) Tên cơ quan cấp CFS;
  4. b) Số tham chiếu của CFS;
  5. c) Ngày cấp của CFS;
  6. d) Tên sản phẩm, hàng hoá được cấp CFS;

đ) Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hoá được cấp CFS;

  1. e) Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;
  2. g) Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hoá được sản xuất và bán tự do tại thị trường của nước sản xuất;
  3. h) Họ tên, chữ ký, chức danh của người cấp CFS và con dấu của cơ quan cấp CFS.
  4. Những thông tin đặc thù khác của từng cơ quan cấp CFS có thể được đưa thêm vào trong CFS tuỳ theo yêu cầu quản lý.
  5. Cơ quan cấp CFS tự in mẫu CFS của mình với đầy đủ thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này.
  6. 5. Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS có thể cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu.

Điều 7. Trách nhiệm của người đề nghị cấp CFS

Người đề nghị cấp CFS có trách nhiệm:

  1. Đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan cấp CFS theo quy định tại Điều 9 Quyết định này.
  2. Nộp hồ sơ đề nghị cấp CFS cho cơ quan cấp CFS theo quy định tại Điều 10 Quyết định này.
  3. Thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp CFS về việc chứng minh hàng hoá xuất khẩu đáp ứng các quy định về yêu cầu cấp CFS.
  4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với những khai báo liên quan đến việc đề nghị cấp CFS.
  5. Khi phát hiện có những sai sót trên CFS do lỗi của thương nhân, người đề nghị cấp CFS thông báo ngay cho cơ quan cấp CFS để cấp CFS mới thay thế CFS có sai sót; nộp lại CFS có sai sót cho cơ quan cấp CFS để huỷ bỏ.
  6. Nộp phí và lệ phí cấp CFS theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan cấp CFS

Cơ quan cấp CFS có trách nhiệm:

  1. Hướng dẫn người đề nghị cấp CFS nếu được yêu cầu.
  2. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp CFS.
  3. Xác minh thực tế về các yêu cầu chất lượng của hàng hoá khi cần thiết.
  4. Cấp CFS khi hàng hóa đáp ứng các quy định về CFS tại Quyết định này.
  5. Khi phát hiện có sai sót trên CFS đã cấp do lỗi của mình, phải thông báo và cấp lại ngay CFS mới cho thương nhân; thu hồi, huỷ bỏ CFS có sai sót.

Điều 9. Đăng ký hồ sơ thương nhân

  1. Người đề nghị cấp CFS phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan cấp CFS khi đề nghị cấp CFS lần đầu tiên và chỉ được xem xét cấp CFS khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân. Hồ sơ thương nhân bao gồm:
  2. a) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp CFS và con dấu của thương nhân (Phụ lục II);
  3. b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);
  4. c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);
  5. d) Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có) của thương nhân (Phụ lục III).
  6. Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho cơ quan cấp CFS nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp CFS. Trong trường hợp không có thay đổi, hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật hai (02) năm một lần.
  7. Trong trường hợp có yêu cầu cấp CFS tại nơi cấp khác với nơi đãđăng ký hồ sơ thương nhân trước đây, người đề nghị cấp CFS gửi văn bản cho cơ quan nơi sẽ xin cấp CFS và phải đăng ký hồ sơ thương nhân tại cơ quan cấp CFS mới.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp CFS

Hồ sơ đề nghị cấp CFS bao gồm:

  1. Đơn đề nghị cấp CFS (Phụ lục IV) được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ.
  2. Bản sao có chứng thực của bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa).
  3. Các giấy tờ khác tùy thuộc vào yêu cầu đặc thù của cơ quan cấp CFS.

Điều 11. Nộp hồ sơ đề nghị cấp CFS

Khi người đề nghị cấp CFS nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng giấy biên nhận hoặc bằng hình thức văn bản khác cho người đề nghị cấp CFS về việc thực hiện một trong những hoạt động sau:

  1. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp CFS nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ như quy định tại Điều 10 Quyết định này.
  2. Trả lại hồ sơ và đề nghị bổ sung chứng từ nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ.

Điều 12. Cấp CFS

  1. CFS phải được cấp trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ thời điểm người đề nghị cấp CFS nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 10 Quyết định này.
  2. 2. Cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trong trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các CFS đã cấp trước đó.
  3. Số lượng CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân.
  4. Trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hoá không đáp ứng điều kiện để cấp CFS như quy định tại Điều 5 Quyết định này, cơ quan cấp CFS ra thông báo bằng văn bản cho người đề nghị cấp CFS về việc không cấp CFS cho các sản phẩm đã đề nghị cấp CFS.

Điều 13. Cấp lại CFS

  1. Trong trường hợp CFS bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân xuất khẩu có thể nộp đơn gửi cơ quan cấp CFS đề nghị cấp bản sao chứng thực của CFS gốc. Cơ quan cấp CFS cấp bản sao trên cơ sở hồ sơ được lưu tại cơ quan cấp CFS và bản sao này phải mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” (bản sao chứng thực) trên CFS. Bản sao này mang ngày cấp và thời hạn hiệu lực của bản CFS gốc. Bản sao chứng thực này được cấp trong khoảng thời gian CFS gốc vẫn còn hiệu lực.
  2. Thời gian cấp lại CFS không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ thời điểm người đề nghị cấp CFS nộp đơn gửi cơ quan cấp CFS đề nghị cấp bản sao chứng thực của CFS gốc.

Điều 14. Thu hồi CFS đã cấp

  1. Cơ quan cấp CFS sẽ thu hồi CFS đã cấp trong những trường hợp sau:
  2. a) Thương nhân xuất khẩu, người đề nghị cấp CFS giả mạo chứng từ;
  3. b) CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hoá mà sản phẩm, hàng hoá đó không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng;
  4. c) CFS được cấp không đúng thẩm quyền;
  5. Người được cấp CFS phải nộp lại CFS đã cấp cho cơ quan cấp CFS trong vòng năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi của cơ quan cấp CFS. Trường hợp không thể thu hồi CFS đã cấp, cơ quan cấp CFS ra thông báo bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân liên quan về việc CFS nêu tại khoản 1 Điều này không còn giá trị hiệu lực.

Điều 15. Cấp CFS qua hệ thống mạng Internet

CFS có thể được cấp qua mạng Internet. Thủ tục cấp CFS qua mạng sẽ  do các Bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn cụ thể.

Điều 16. Phí, lệ phí cấp CFS

Phí, lệ phí cấp CFS do Bộ Tài chính quy định cụ thể.

 

Chương III

YÊU CẦU CFS ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU

Điều 17. Sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu yêu cầu phải có CFS để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành  

  1. Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu yêu cầu phải có CFS để làmcơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này chịu trách nhiệm quy định cụ thể.
  2. Thương nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục nêu tại khoản 1 Điều này phải nộp CFS cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 18. CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu

  1. CFS do nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu cấp phải có đầy đủ những thông tin tối thiểu như quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định này.
  2. Việc sử dụng CFS có thể được áp dụng cho một hoặc nhiều lô hàng nhập khẩu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  3. Bản sao của CFS mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” (bản sao chứng thực) của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được chấp nhận sử dụng như là bản gốc CFS.

Điều 19. Hợp pháp hoá lãnh sự

Trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, CFS do nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu

  1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan có trách nhiệm kiểm tra  sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phù hợp với CFS.
  2. Trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS của sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu hoặc hàng hoá không phù hợp CFS, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan có thể gửi yêu cầu kiểm tra cùng với bản sao CFS liên quan tới tổ chức cấp CFS của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu. Yêu cầu kiểm tra phải nêu rõ lý do và các thông tin cần làm rõ về tính xác thực của CFS của sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu.

Điều 21. Từ chối chấp nhận CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu nếu CFS đó được cơ quan cấp CFS của nước xuất khẩu xác nhận là không xác thực.   

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI

Điều 22. Xử lý vi phạm

  1. Mọi hành vi vi phạm các quy định về CFS quy định tại Quyết định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
  2. Cán bộ, công chức và cá nhân thuộc các cơ quan được ủy quyền cấp CFS, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vi phạm các quy định tại Quyết định này hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấp CFS không đúng theo quy định của Quyết định này,  gây khó khăn, cản trở trong việc cấp CFS, có hành vi vi phạm khác trong khi thi hành nhiệm vụ, tùy theo tính chất, mức độ, mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp việc vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Giải quyết khiếu nại đối với các vấn đề liên quan đến CFS

Trong trường hợp bị từ chối cấp CFS cho hàng hoá xuất khẩu hoặc bị từ chối công nhận CFS của hàng hoá nhập khẩu, người đề nghị cấp CFS hoặc người nhập khẩu có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.

 Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Lưu trữ hồ sơ

  1. Hồ sơ đề nghị cấp CFS phải được người đề nghị cấp CFS, cơ quan cấp CFS lưu trữ tối thiểu ba (03) năm kể từ ngày cấp.
  2. CFS của sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu phải được người nhập khẩu lưu trữ tối thiểu ba (03) năm kể từ ngày nhập khẩu.

Điều 25. Trách nhiệm các Bộ, ngành

  1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, quản lý, điều phối, cấp và thực hiện cơ chế CFS tại Việt Nam.
  2. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn, quy định việc cấp và kiểm tra CFS đối với những hàng hoá, sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Điều 3 Quyết định này.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

– VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;

– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Toà án nhân dân tối cao;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– UB Giám sát tài chính Quốc gia;

– Ngân hàng Chính sách Xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: Văn thư, KTTH (5b). N.

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG 

 

(Đã ký)

Hoàng Trung Hải