Cái giá doanh nghiệp phải trả khi thờ ơ với việc bảo hộ thương hiệu chính là việc bị ‘đánh cắp’ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Có một số ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại thương hiệu, tuy nhiên có rất nhiều những thương hiệu Việt đã bị mất trắng…

Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện về kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị “đánh cắp” trên thị trường quốc tế diễn ra khá phổ biến. Xảy ra tình trạng này là do các DN Việt Nam có tài sản sở hữu trí tuệ song lại chưa quan tâm hoặc không quan tâm nhiều, hay có quan tâm nhưng mức độ quan tâm chưa thỏa đáng. Điều này dẫn đến DN phải trả giá đắt bằng việc bị “đánh cắp” kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Có một số ít DN thành công trong việc đòi lại thương hiệu, tuy nhiên rất nhiều thương hiệu Việt đã bị mất trắng…

Thương hiệu Việt bị “đánh cắp”

Trao đổi với phóng viên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã có những cam kết rất cao, thậm chí cao nhất liên quan đến sở hữu trí tuệ. Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam đã trở thành thành viên của các hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính cốt lõi của thế giới như Công ước Paris, Công ước Rome, Công ước Berne, Công ước Stockholm, và Việt Nam đang trong quá trình gia nhập công ước La Hay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho DN Việt Nam.

Năm 2017, Cục Sở hữu Trí tuệ đã chứng nhận hơn 100.000 đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ các loại và thực hiện bảo hộ hơn 30.000 đơn sở hữu về kiểu dáng công nghiệp. Đây là những kết quả tích cực nhưng so với nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi, trong bối cảnh mới khi thế giới đang tiến tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế thông minh, việc tuân thủ các cam kết về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của DN là việc làm rất cần thiết.

Chính sự quan tâm không thỏa đáng của DN đã gây ra những vấn đề lớn và DN Việt phải trả giá rất đắt. Việc những thương hiệu Việt bị đánh cắp trên thế giới đã và đang diễn ngày càng nhiều, gây ra những tổn hại rất lớn cho DN. Thực tế cho thấy, nhiều nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam nổi tiếng đã bị các thương gia nước ngoài “đánh cắp” và tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài để sử dụng cho hàng hóa của họ lưu thông trên thương trường quốc tế, có thể kể đến như: Kẹo dừa Bến Tre; Cà phê Trung Nguyên; Cà phê Buôn Ma Thuột; Nước mắm Phú Quốc; Sản phẩm Vifon… Khi các DN Việt Nam tiến hành các biện pháp đòi lại gặp rất nhiều gian nan, trong nhiều trường hợp không thể đòi lại được.

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho DN Việt Nam là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của quá trình hội nhập. Đây cũng chính là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

“Sức mạnh” của bảo hộ thương hiệu

"Sức mạnh" của bảo hộ thương hiệu là giúp DN đủ sức cạnh tranh trên thị trường cũng như hội nhập quốc tế.

“Sức mạnh” của bảo hộ thương hiệu là giúp DN đủ sức cạnh tranh trên thị trường cũng như hội nhập quốc tế.

TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất giải pháp: “Một mặt, Việt Nam cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế quy định về sở hữu trí tuệ, các DN Việt Nam phải cam kết tôn trọng sở hữu trí tuệ của các DN khác. Mặt khác, các DN Việt Nam phải quan tâm tới quyền sở hữu trí tuệ của mình”.

Bên cạnh đó, ông Lộc nhấn mạnh: Để DN có thể quan tâm đúng mức về bảo hộ trí tuệ nói chung, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu nói riêng, trước tiên DN cần nắm rõ những thông tin về điều kiện để đơn bảo hộ của DN được chấp nhận.

Đồng quan điểm, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (IPA) chia sẻ: Trong những năm gần đây Việt Nam đã hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới trong đó có lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng phải xây dựng phù hợp với quy định, thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp ước quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận thị trường quốc tế giúp cho việc đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài được dễ dàng và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tuy nhiên, DN cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng và sức mạnh của việc phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ nói chung và kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa nói riêng nhằm giúp DN đủ sức cạnh tranh trên thị trường cũng như hội nhập quốc tế. Đồng thời, DN Việt cũng cần hoạt động thận trọng hơn để không xâm phạm thương hiệu, nhãn hiệu của các công ty nước ngoài.