Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả diễn ra quyết liệt, nghiêm khắc trên nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Các loại sản phẩm làm giả dưới nhiều dạng như sao chép kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế; thậm chí làm giả 100%… nhằm trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Dường như, quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm công khai; việc bảo vệ thương hiệu Việt và các thương hiệu nổi tiếng gặp muôn vàn khó khăn.
Có thể thấy, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả nhãn mác và xâm phạm sở hữu trí tuệ luôn song hành với nhau; “nương tựa” nhau để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật; thu lời kinh tế. Để có một sản phẩm hàng hóa chất lượng, có thương hiệu, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đầu tư rất nhiều tiền của, công sức nhưng với cách thức làm giả sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, không rõ nguồn gốc xuất xứ, pha trộn với một lượng hàng thật; hoặc tự sản xuất hàng nhái kiểu đáng, nhái thương hiệu, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu để bán ra thị trường kiếm lời dễ dàng.
Hành vi gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến còn do chính tâm lý người tiêu dùng thích “hàng hiệu giá rẻ” hay sự dễ dãi trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… để hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đất hoành hành. “Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm, tại các địa điểm “nóng” như các tỉnh biên giới, cửa khẩu Lạng Sơn, Cao Bằng; TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Hay vụ việc cách đây 3 tháng, hàng nghìn đồng hồ hiệu đã bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ ở Nha Trang, trị giá lên tới 350.000 USD; Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ hàng nghìn sản phẩm hàng hóa là quần áo có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa Nike, Uniqlo, Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Rõ ràng, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đấu tranh chống hàng giả quan hệ mật thiết với nhau. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất phát từ nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và cả khâu quản lý nhà nước, việc thực thi pháp luật. Có thể thấy các tổ chức, cơ quan tham gia phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chồng chéo; quản lý thị trường còn lỏng lẻo; giám định hàng giả rất mất thời gian tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm đối phó. Mức phạt tối đa chỉ có 20 triệu chưa đủ sức răn đe; việc phát hiện, điều tra xử lý còn hạn chế; giá cả rẻ của hàng giả, hàng nhái làm “mờ mắt” một bộ phận người tiêu dùng…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tiễn hơn 10 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết. Mặt khác khi tham gia các FTA, việc đấu tranh với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả đòi hỏi hệ thống pháp luật cần sửa đổi theo kịp với thực tiễn quốc tế…
Vì vậy, bên cạnh tăng cường các biện pháp quản lý, tuyên truyền vận động, điều tra xử lý nghiêm minh, kịp thời, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết. Đây cũng chính là một trong 5 nhóm giải pháp mà các chuyên gia nêu ra gồm: Chính sách và pháp luật sở hữu trí tuệ; quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực thực thi pháp luật.