Trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng khiến nạn nhân tử vong. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu có thể cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn hoặc ngộ độc rượu mạn tính khi uống nhiều rượu trong thời gian dài.

  1. Một số khái niệm:

“Sản phẩm rượu” là đồ uống có cồn thực phẩm. Sản phẩm rượu được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm (Ethanol) [4].

“Cồn thực phẩm” là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học theo danh pháp quốc tế IUPAC là Ethanol, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm[4].

Hình 1. Rượu trắng

Hình 1. Rượu trắng

Hình 2. Rượu ngâm các loại cỏ cây, động vật

Hình 2. Rượu ngâm các loại cỏ cây, động vật

Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn Methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật….)

Hình 3. Uống rượu

Hình 3. Uống rượu

  1. Phân loại và xử trí ngộ độc rượu [2]:

Thường gặp hai loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (methanol).

– Ngộ độc rượu Etylic (Ethanol)

Bao gồm có ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.

Ngộ độc rượu cấp tính: Giai đoạn đầu có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động. Giai đoạn sau có phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, rãn mạch ngoại vi. Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu; đi lảo đảo; biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ, lờ đờ; có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp…

Hình 4. Ngộ độc rượu

Hình 4. Ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài, dẫn đến sút cân; chán ăn; tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da niêm mạc nhợt do thiếu máu; xơ gan; ung thư.

Hình 5. Ngộ độc rượu mạn tính

Hình 5. Ngộ độc rượu mạn tính

– Ngộ độc rượu Metylic (Methanol):

Methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm Methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

Hình 6. Ngộ độc rượu chứa Methanol

Hình 6. Ngộ độc rượu chứa Methanol

Trường hợp ngộ độc Methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

– Xử trí ngộ độc rượu Etylic (Ethanol):

+ Say rượu: cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh; có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5g Amonium acetat trong một cốc nước muối.

+ Ngộ độc rượu: Nếu bệnh nhân mất ý thức hoặc lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, có giật cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

– Xử trí ngộ độc rượu Metylic (Methanol): Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.

Hình 7. Cấp cứu ngộ độc rượu

Hình 7. Cấp cứu ngộ độc rượu

  1. Phòng chống ngộ độc rượu:

– Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu:

+ Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu [4].

+ Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

– Đối với người tiêu dùng [1,3]:

Hình 8. Không nên uống rượu

Hình 8. Không nên uống rượu

+ Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

+ Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

+ Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

+ Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

+ Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

+ Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

+ Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa10g cồn), tương đương:

  • 30ml rượu mạnh (40-43 độ);
  • 100ml rượu vang (13,5 độ);
  • 330ml bia hơi (5 độ);
  • 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5 độ).

    Thi Hằng – Phòng QLNĐ

    Tài liệu tham khảo

    1. Cục An toàn thực phẩm. Phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết. http://www.vfa.gov.vn
    2. Cục An toàn thực phẩm.  Sổ tay hướng dẫn phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm tại tuyến y tế cơ sở, Hà Nội, 2012.
    3. Cục Y tế dự phòng. Ngày Tết hãy thận trọng khi uống rượu bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. http://vncd.gov.vn.
    4. Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính Phủ về Kinh doanh rượu. Khoản 1, 2 Điều 3.