Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm 2018

Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm 2018

Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Trong những năm qua, thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được xã hội rất quan tâm, tuy nhiên công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại Việt Nam:

Nguyên nhân khách quan là các rủi ro khi sử dụng thực phẩm. Ngay cả các nước phát triển có hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống pháp luật đồng bộ, đời sống người dân cao nhưng các sự cố liên quan an toàn thực phẩm vẫn xảy ra. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Nhiều nơi còn tồn tại các tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như ăn tiết canh, gỏi cá…; một bộ phận người dân kinh tế thấp nên không có điều kiện mua và sử dụng thực phẩm chất lượng cao, phải dùng sản phẩm trôi nổi…

Nguyên nhân chủ quan

  • Do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kháng sinh tùy tiện; thậm chí dùng các chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các chất cấm bừa bãi.
  • Kinh phí chi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn thấp; lực lượng cán bộ thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Cùng lúc, cơ chế thị trường bộc lộ nhiều tiêu cực, vì lợi nhuận bất chấp chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng
  • Do ý thức người tham gia sản xuất chưa cao, chưa tuân thủ các quy trình công nghệ, khuyến cáo của nhà cung cấp về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đa số các vùng trồng rau không được kiểm soát dư lượng kim loại nặng trong đất, nước tưới.
  • Việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm rất khó khăn do tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ, đặc biệt là chợ cóc gây khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát thực phẩm, khó truy thu nguồn gốc và gắn trách nhiệm của người sản xuất. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển và phân phối rau quả, chưa có hệ thống sơ chế, đóng gói và vận chuyển đúng tiêu chuẩn…. Việc chứng nhận cho từng sản phẩm an toàn là rất khó khăn do đặc thù riêng trong sản xuất chế biến thực phẩm ở Việt Nam đó là chúng ta có hàng chục triệu người nông dân nhà nào cũng trồng rau, nuôi gà, thả cá… sử dụng không hết mang ra thị trường bán.
  • Vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ cung cấp vật tư đầu vào sản xuất đến chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ…
  • Công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
  • Sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa nhịp nhàng, chưa gắn kết thành chuỗi liên tục.
  • Thiếu trang thiết bị phân tích nhanh chất lượng thực phẩm

Để có thực phẩm an toàn, cần phải :

  • Quy hoạch trồng rau quả và có chính sách hỗ trợ cho người tham gia sản xuất trong chuỗi giá trị rau, củ, quả
  • Đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến
  • Nâng cao chuyên môn cho lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vào cuộc sống; kiểm soát chặt chẽ đầu vào trong sản xuất rau, củ, quả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
  • Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt cần truyền thông thay đổi hành vi, phát huy vai trò của các tổ chức như mặt trận tổ quốc, hội nông dân, phụ nữ… tham gia vào chiến dịch này.
  • Tuyên truyền để thay đổi nhận thức, ý thức của người dân, giúp người sản xuất, kinh doanh hiểu được hậu quả do thực phẩm không an toàn mang lại cho xã hội. Với người tiêu dùng, hướng dẫn để họ biết cách chọn lọc trong mua sắm, tiêu dùng, nhất là với thực phẩm, ví dụ như: chỉ nên mua thực phẩm ở những địa chỉ có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những nơi cung cấp thực phẩm rõ nguồn gốc…
  • Các cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; kiểm soát thực phẩm nhập lậu, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.

Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, cần tăng mức độ xử phạt đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất rau quả mất vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn rau, củ, quả từ trồng trọt, thu mua tại các chợ đầu mối đến các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng rau an toàn…

Ngoài ra, các bộ chức năng cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm một cách đồng bộ trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và thống nhất, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản gắn với hệ thống quản lý chất lượng. Tăng cường truyền thông về các chế tài nếu vi phạm để người sản xuất – kinh doanh không dám vi phạm.

Tư vấn dịch vụ tại công ty AZF